Chủ tịch UBND tỉnh vừa chủ trì cuộc họp Tập thể UBND tỉnh để nghe Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất các loại định kỳ 05 năm (01/01/2020-31/12/2024) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, căn cứ các quy định pháp luật, tình hình thực tế của địa phương và ý kiến thống nhất của các sở, ngành, địa phương; Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các nội dung như sau:
Điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh;
Điều chỉnh tăng giá đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;
Điều chỉnh tăng giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ;
Điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung tại Quy định kèm theo Quyết định số 38//2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên tham dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường như nêu trên.
Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến, bồ sung, hoàn chỉnh dự thảo điều chỉnh Bảng gia đất các loại định kỳ 05 năm, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh.
Được biết tại cuộc họp về việc xây dựng, điều chỉnh Bảng giá các loại đất định kỳ 05 năm vào cuối tháng 4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất:
Điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh;
Giữ nguyên mức giá đối với bảng giá đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;
Điều chỉnh giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ;
Điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung tại Quy định kèm theo Quyết định 38 như: bổ sung, điều chỉnh cách xác định hệ số giá đất ở của các vị trí đất, sửa đổi các xác định vị trí đất trong một số trường hợp đặc thù, hủy bỏ khoản 12 Điều 9 Quy định…
Như vậy chỉ sau 1 tháng, giá đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đã được “chốt” phương án tăng.
Theo CBRE, hoạt động đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương đã được đa dạng hóa một cách đáng kể trong vòng 15 năm qua. Trong giai đoạn 2006 – 2021, tổng số quỹ mở tham gia vào lĩnh vực này đã tăng từ 9 lên 33 và tổng số vốn tăng từ 8,9 tỷ USD lên 112 tỷ USD.
Việc thành lập các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITs) tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc Đại lục và Ấn Độ cũng đã giúp thị trường chung của khu vực trưởng thành và thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Nếu chỉ tính riêng trong 5 năm từ 2017 đến 2021, lượng vốn tư nhân đổ vào bất động sản đạt mức cao kỷ lục, cả về số lượng quỹ và khối lượng vốn. Tổng số vốn đạt 104 tỷ USD, tăng 60% so với 63 tỷ USD của giai đoạn 5 năm trước đó.
CBRE cho rằng nhu cầu bán và thuê lại (leaseback) của các tổ chức sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, do lượng vốn đầu tư lớn đổ vào sẽ khiến nhiều chủ sở hữu cân nhắc lợi ích giữa việc sở hữu hay cho thuê. Các nhà đầu tư sẽ đưa ra mức giá hấp dẫn để mua lại tài sản, hoặc các điều khoản thuê lại phù hợp hơn để thúc đẩy các thương vụ thành công.
Tiềm năng sinh lời của các bất động sản cũng tăng lên trong năm nay, cả đối với các hợp đồng bán và thuê lại và bán để thoái vốn, đặc biệt trong lĩnh vưc công nghiệp, hậu cần và trung tâm dữ liệu. Nhiều chủ sở hữu bất động sản sẽ tận dụng được môi trường đầu tư lạc quan hơn và định giá tài sản tăng lên.
Về dài hạn, hoạt động bán và thuê lại còn sơ khai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ phát triển theo những xu hướng từng có tại Hoa Kỳ và khu vực Châuu, Trung Đông và Châu Phi. CBRE dự báo tiềm năng sinh lơi của các bất động sản của các doanh nghiệp đầu tư trong khu vực có thể tăng 5-10% vào năm 2022.
Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% được duy trì, Tạp chí Chính trị Harvard dự báo Việt Nam sẽ sánh ngang với 4 con hổ châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và hàng triệu người sẽ được hưởng mức sống cao hơn.
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Chính trị Harvard (Harvardpolitics) vào tháng 5/2012, cây viết Jay Alver cho biết khi đến thăm Hà Nội, ông cảm thấy bất ngờ trước sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong thành phố.
Hơi bối rối, Jay Alver đã hỏi một hướng dẫn viên địa phương. Mỉm cười một chút, người hướng dẫn viên trả lời rằng mội trường thương mại ngày càng tự do ở Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Những thành công kinh tế của Việt Nam thật đáng kinh ngạc, theo Jay Alver. Theo tạp chí Foreign Policy, từ năm 1986 trở lại đây (năm 2012), tăng trưởng GDP đạt mức trung bình ấn tượng 5,3% mỗi năm. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây với mức tăng trưởng 7% hàng năm từ năm 2005 đến 2010.
Nếu tốc độ tăng trưởng này được duy trì, Việt Nam sẽ sánh ngang với 4 con hổ châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore (các nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 6% từ năm 1960 đến 1990).
Đâu là nguồn gốc của sự tăng trưởng?
David Dapice, giáo sư kinh tế Đại học Tufts, Massachusetts và là người đóng góp cho chương trình Harvard Việt Nam, đã nhấn mạnh việc chính phủ đưa ra các chính sách “Đổi mới” vào năm 1986 đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Việt Nam.
Chính sách Đổi mới đã khuyến khích dòng vốn từ thế giới phương Tây bằng cách mở cửa cho thị trường tự do, hạ thấp hàng rào thuế quan, mở rộng xuất khẩu nông sản thông qua tự do hóa thương mại và gia nhập các khối thương mại khu vực.
Việc phát hiện và phát triển trữ lượng dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.
Năm 2000, Việt Nam đã thực hiện một bước hướng tới đa dạng hóa bổ sung và bãi bỏ quy định nền kinh tế bằng cách ban hành Luật Doanh nghiệp, trong đó loại bỏ một số lượng đáng kể các yêu cầu liên quan đến việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân mới.
Người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thành thị, đã đón nhận cải cách này một cách khá nhiệt tình.
Nhiều tòa nhà cao và hẹp đặc trưng của các đô thị miền Bắc Việt Nam, đã chuyển đổi tầng dưới cùng thành các cửa hàng bán hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam và các nước lân cận.
Tinh thần kinh doanh cũng lan rộng đến những người dân không có nhà mặt tiền. Trong cùng chuyến đi được mô tả ở trên, cây viết Jay Alver đã chứng kiến hàng chục thợ cắt tóc được phép dựng đồ nghề dựa vào hàng rào bao quanh một công viên thành phố. Gương và các vật dụng tạo kiểu tóc được treo trên móc dọc hàng rào trong khi khách hàng ngồi trên ghế nhựa.
Luật Doanh nghiệp giải thích một phần lý do tại sao tăng trưởng của Việt Nam về cơ bản không giống với các thị trường châu Á mới nổi khác. Bất chấp sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu công nghiệp, tiêu dùng nội địa chiếm 65%sản lượng, so với 36% của nước láng giềng Trung Quốc.
Theo bài báo của Chương trình Harvard Việt Nam có tựa đề “Lựa chọn thành công”, nền kinh tế Việt Nam khá đa dạng, với nền nông nghiệp và khai khoáng mạnh, đồng thời mở rộng nhanh chóng các lĩnh vực sản xuất, du lịch, tiện ích, xây dựng và tài chính. Chính phủ thậm chí đã sử dụng thời kỳ tăng trưởng ổn định này để đầu tư vào các chương trình xóa đói giảm nghèo và điện.
Theo Dapice, những yếu tố này làm cho mô hình phát triển của Việt Nam trở thành một minh chứng thành công cho các nước đang phát triển khác đang tìm cách sử dụng tối đa các nguồn lực hiện có.
Con hổ châu Á thứ năm?
Theo Tạp chí Chính trị Harvard, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng to lớn. Theo IMF, nền kinh tế của Việt Nam vẫn nhỏ hơn so với Thái Lan và Philippines, nhưng với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
So sánh giữa sự phát triển của Việt Nam và Trung Quốc thì tăng trưởng của Việt Nam cũng rất đa dạng, thay vì dựa nhiều vào xuất khẩu công nghiệp.
“Nhìn chung, trong khi cải cách thể chế là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế từ nguồn nhân lực và vật chất dồi dào của Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng giữ vững mức tăng trưởng hiện có trong tương lai gần. Nếu thành công, Việt Nam rất có thể trở thành Con hổ châu Á thực sự tiếp theo và hàng triệu người sẽ được hưởng mức sống cao hơn”, theo Tạp chí Chính trị Harvard.
Tạp chí Chính trị Harvard (HPR, Harvard Political Review) là một tạp chí và trang web hàng quý, phi đảng phái của Mỹ về chính trị và chính sách công, được thành lập vào năm 1969 bởi một nhóm sinh viên Harvard tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts. Tạp chí chuyên về các vấn đề trong nước và quốc tế và các sự kiện chính trị, cũng như các bài diễn văn chính trị tại Harvard.
Những căn biệt thự ở vùng ven như quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức), Nhà Bè, quận 7… cũng có giá cao ngất ngưởng hơn 100 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm trước dịch.
Đến nay, dự án The Global City (TP Thủ Đức) đã mở bán được 2 giai đoạn với mức giá công bố cao kỷ lục từ 370 triệu đồng/m2 đối với các sản phẩm biệt thự, liền kề.
Điều đáng nói, không chỉ tại khu Đông – nơi được coi là “điểm nóng” của thị trường bất động sản TP.HCM, mà ở nhiều khu vực khác, giá biệt thự cũng đang neo ở mức cao.
“Chiều cuối tuần hai vợ chồng đi ngắm biệt thự quận 7 diện tích 200-300 m2 mà giật mình: Thấp nhất là 80 tỷ đồng, cao nhất là vô cực. Mấy tuần trước đã giật mình với giá biệt thự quận 9, Nhà Bè 50-100 tỷ đồng/căn, giờ thì muốn xỉu. Hên chưa qua Thủ Thiêm, quận 1…”, anh Tuấn Anh – một doanh nhân chia sẻ.
Anh được môi giới giới thiệu căn biệt thự đơn lập 2 mặt tiền đường Phạm Thái Bường (phường Tân Phong, quận 7) với giá 103 tỷ đồng. Với diện tích đất 14,5 x 19 m, đơn giá tại đây lên đến hơn 378 triệu đồng/m2. Trong khi đó, một căn biệt thự đơn lập khác gần đó có diện tích đất được công nhận trên sổ là 578 m2, rao giá 230 tỷ đồng, tương đương gần 400 triệu đồng/m2.
Trao đổi với Zing, anh Tuấn Anh nhìn nhận giá biệt thự ở nhiều nơi tại TP.HCM đang cao gấp đôi thời điểm trước dịch và gấp 10 lần mức giá 6 năm trước.
Dữ liệu của chuyên trang Batdongsan cho thấy giá rao bán biệt thự liền kề ở khu Đông và khu Nam TP.HCM trong tháng 4 tăng 25-35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, các sản phẩm tương tự ở quận Tân Bình còn ghi nhận mức tăng giá lên đến 60%. Giá bán bình quân toàn thành phố hiện nay khoảng 250-400 triệu đồng/m2.
Theo bà Ginny Nguyễn, Quản lý cấp cao Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills TP.HCM, sau thời gian dịch bệnh, nhu cầu về các sản phẩm nhà ở liền thổ hạng sang trở nên cao hơn bao giờ hết. Lượng khách chủ yếu đến từ những nhà đầu tư đã sở hữu nhiều bất động sản và đang tìm kiếm sản phẩm mới có tiềm năng tăng giá cao.
Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia tại Batdongsan dẫn chứng biệt thự, liền kề là một trong những loại hình tăng giá tốt và có tỷ lệ giao dịch thành công cao nhất trong năm 2021, do đó tiếp tục thu hút lượng quan tâm lớn.
Một lý do khác thúc đẩy sức “nóng” của phân khúc này là tình trạng nguồn cung ngày càng hạn chế, đặc biệt ở thị trường sơ cấp. Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết trong 3 tháng đầu năm, TP.HCM và các tỉnh giáp ranh chỉ ghi nhận 611 căn biệt thự, nhà phố mở bán, giảm 83% so với quý IV/2021 và gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sang tháng 4, nguồn cung biệt thự liền kề đã tăng mạnh với hơn 1.700 sản phẩm được giới thiệu ra thị trường. Theo đó, số căn bán ra cũng cao gấp 2,6 lần tổng lượng tiêu thụ trong quý I.
Dù vậy, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam nhận định mức giá sẽ còn tăng cao trong thời gian tới bởi các chủ đầu tư đang có xu hướng muốn phát triển các sản phẩm siêu cao cấp. Thực tế, hơn một nửa nguồn cung biệt thự, nhà phố mới từ nay đến cuối năm được thống kê đến từ các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Masterise Homes, Khang Điền, Keppel Land và Đại Phúc Group.
Chiều ngày 9/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Giao thông Vận tải. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có báo cáo về tiến độ thực hiện của hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong thời gian tới.
Về tuyến giao thông cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm hai gia đoạn. Giai đoạn 2021 – 2020 với chiều dài 654km đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017 và khởi công lần lượt trong các năm 2019 – 2021.
Các dự án thuộc giai đoạn này sẽ hoàn thành toàn bộ năm 2023. Trong đó có 4 tuyến cao tốc sẽ hoàn thành cuối năm 2022 là Mai Sơn – quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.
Cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 với tổng chiều dài 729km. Hiện nay dự án đã triển khai lập dự án đầu tư, triển khai kiểm đếm, căm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù. Toàn bộ 729km sẽ khởi công vào tháng 11 và tháng 12 năm 2022 và phấn đấu hoàn thành năm 2025.
Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp này 5 tuyến cao tốc có chiều dài 549 km. Như vậy, cộng thêm với 1.290km cao tốc hiện đã hoàn thành, cả nước hiện có 3.222km cao tốc.
Với 3 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến tháng 6/2023 sẽ khởi công nếu được Quốc Hội thông qua và cơ bản hoàn thành vào năm 2025 đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.
Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu có chiều dài hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2 km); TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (19,5 km).
Quy mô giai đoạn 1 dự kiến gồm 4 – 6 làn xe, vận tốc 100km/giờ. Tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1 là 17.837 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công.
Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sẽ có chiều dài 117,5km. Tuyến cao tốc sẽ được xây dựng quy mô là 4 làn xe. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án sẽ đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, hoàn thiện quy mô 4 làn xe tại thời điểm thích hợp; riêng hầm xây dựng 2 ống riêng biệt, trước mắt hoàn thiện để khai thác 1 ống, ống còn lại hoàn thiện tại thời điểm đầu tư hoàn chỉnh 4 làn theo quy hoạch.
Tổng vốn đầu tư sơ bộ của tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến khoảng 21.935 tỉ đồng.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có chiều dài là 188,2 km, trong đó đoạn tuyến qua địa phận tỉnh An Giang 56,74 km; thành phố Cần Thơ 37,72 km; tỉnh Hậu Giang 37,02km và tỉnh Sóc Trăng 56,67 km.
Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 khoảng 44.306 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư là 8.487 tỉ đồng; chi phí xây dựng là 27.534 tỉ đồng…
Đối với hai dự án Đường vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, giai đoạn hiện nay đang có tốc độ tập trung rất cao về xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng. Tổng chiều dài tuyến cao tốc trong giai đoạn 2021 – 2025 (1.932km) là gấp 4 lần giai đoạn 2015 – 2020 (487km). Tổng nguồn vốn đầu tư cao tốc trong giai đoạn này cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015 – 2020 (339.000 tỉ đồng với 89.000 tỉ đồng).
Do đó, để các dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng yêu cầu Chính phủ, bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ. Kiên kiết thay ngay các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.
Thông tin về các bất cập của thị trường bất động sản hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường vẫn đang bộc lộ các hạn chế, bất cập và có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Những bất cập của thị trường bất động sản
Đầu tiên phải kể đến hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn bất cập, cần sửa đổi để thống nhất, như về hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; về xác định giá đất. Việc triển khai đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương gặp nhiều khó khăn khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh ở các phân khúc.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp: Thiếu nhà ở có giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình; trong khi lại phổ biến bất động sản các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch.
Trong khi đó, giá bất động sản liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Từ năm 2021 đến nay, ở nhiều địa phương, tại một số khu vực, địa điểm có hiện tượng tăng giá đột biến, sốt giá đất nền với tỷ lệ tăng 30-50%.
Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường bất động sản tại các địa phương còn bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch; công tác công khai, minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Chưa có các nguồn vốn dài hạn, ổn định cho thị trường bất động sản. Chính sách thuế đối với sử dụng bất động sản và hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản còn chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, kinh doanh dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản… dẫn đến hoạt động của thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch…
7 giải pháp phát triển thị trường bền vững
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp chính.
Một là, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; đồng thời, tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp…
Hai là, theo dõi sát diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời có giải pháp ổn định, lành mạnh thị trường khi cần thiết; kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng… để thúc đẩy tạo nguồn cung cho thị trường.
Ba là, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.
Bốn là, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản để hạn chế đầu cơ; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất…
Năm là, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng…
Sáu là, hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Bảy là, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị hội nghị về phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Theo đó, Bộ Xây dựng đang khẩn trương tập trung nghiên cứu, đánh giá về thực trạng thị trường bất động sản, kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, trong nước; dự báo tình hình, các yếu tố tác động, xu hướng phát triển thị trường; xác định mục tiêu, yêu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Mặc dù thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng theo các chuyên gia, dư địa cho đầu tư bất động sản vẫn còn rất lớn, đặc biệt thị trường vùng ven khi xu hướng dịch chuyển của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Với việc quỹ đất khu vực trung tâm các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng hạn hẹp, giá cả đắt đỏ, xu thế giãn dân ngày càng lớn khi các tuyến hạ tầng giao thông lớn hình thành khiến vùng ven đang trở thành địa chỉ thu hút dòng tiền đầu tư.
Việc Quốc hội đang xem xét 5 dự án về hạ tầng giao thông có quy mô lớn gồm 3 dự án đường cao tốc và 2 dự án đường vành đai tại vùng Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, cùng với triển khai giai đoạn tiếp theo của Đường Hồ Chí Minh càng “bật đèn xanh” cho sự lên ngôi của các thị trường lân cận vùng ven ở Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều dự án hiện nay với quỹ đất rộng, chủ đầu tư đáp ứng được đang dạng công năng, từ đó tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng có nhu cầu và tạo ra những “câu chuyện” để thu hút sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư. Đơn cử như câu chuyện về cơn sốt thanh khoản của một “siêu dự án” ở Hưng Yên, giáp Hà Nội đã trở thành tiêu điểm nóng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong suốt nhiều tuần. Mặc dù cách xa trung tâm Hà Nội, nhưng việc chủ đầu tư xây dựng và phát triển thành một tổ hợp hệ sinh thái “All in one” khép kín tạo nên giá trị đặc biệt hấp dẫn người mua để ở và cả để đầu tư.
Tại khu vực TP.HCM, xu hướng nhà đầu tư hướng về các dự án “vùng ven” còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ khách hàng đến từ TP.HCM rót vốn vào các dự án vùng ven trong năm 2021 ở mức 78%. Đặc biệt trong đó, nhóm khách hàng từ 31 đến 45 tuổi chiếm 51% tổng lượng khách hàng, trong khi trước đây, phần lớn khách hàng có độ tuổi từ 45 trở lên.
Nhìn chung, xu hướng “bỏ phố về quê” của người trẻ đang là cơ hội rất lớn cho các đô thị vùng ven thu hút nguồn lực lao động để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Điều này, theo các chuyên gia cũng tạo ra động lực thúc nhiều nhà phát triển hướng hơn ra vùng ven nhờ việc tiếp cận quỹ đất ở vùng ven dễ dàng hơn hẳn cũng như thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư cũng nhanh chóng hơn.
Theo dự báo, trong những năm tới, các dự án khu đô thị, đặc biệt là các đại đô thị ở vùng ven sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn cung nhà ở cho thị trường Thủ đô, nhưng sẽ có nhiều lưu ý trong việc phát triển các dự án ở khu vực vùng ven.
Nhìn nhận một thực tế rằng địa phương nào cũng đều rất tiềm năng, hiệu quả đầu tư cao hay thấp phục thuộc vào việc các chủ đầu tư lựa chọn thị trường và loại hình sản phẩm phù hợp với “gu” phát triển dự án của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp đến sau làm sao phải có sự khác biệt so với những sản phẩm đi trước, mà vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khách hàng bản địa là một câu hỏi không dễ trả lời?
Riêng các chủ đầu tư tham gia thị trường muộn còn gặp thiệt thòi vì giá đất cao hơn, đây là áp lực mà chủ đầu tư không tự giải quyết được, không phải cứ có đất làm dự án thì cầu là mênh mông. Hay với bài toán quy hoạch, đòi hỏi chủ đầu tư phải có khả năng phân tích thị trường cũng như khách hàng, song đây là áp lực mà chủ đầu tư luôn phải đặt ra để làm sao có thể tự mình giải quyết?
Một điều nữa các chủ đầu tư cần quan tâm là phải ước lượng được nhu cầu thị trường, bởi trên thực tế, nhu cầu khu vực trung tâm thường dễ phán đoán hơn so với vùng ven, cho nên khả năng dự báo về cầu thị trường tốt là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của dự án vùng ven.
Theo báo cáo mới nhất của các đơn vị phân tích, BR-VT, Bình Thuận, Quảng Ninh và Phú Thọ tiếp tục là những địa phương dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường trong tháng 5/2022.
Nhìn vào những con số của thị trường BĐS nghỉ dưỡng sau thời điểm Lễ 30/4 và 1/5 cho thấy, phân khúc này đang từng bước phục hồi tích cực và khả quan sau những nặng nề do Covid-19 gây ra.
Theo đó, các thị trường BĐS nghỉ dưỡng truyền thống đang trở lại đường đua. Đại diện Savills Việt Nam chỉ ra, từ khi những hạn chế về đường bay được gỡ bỏ, kèm theo chính sách miễn thị thực, thành các khu vực như Phú Quốc, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã chứng kiến sự nhảy vọt trong số lượng du khách quốc tế. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm Ngôi nhà thứ hai tại đây.
Các sản phẩm Ngôi nhà thứ hai có thể thuộc nhiều loại hình bất động sản, bao gồm nhà ở, căn hộ, khách sạn hay biệt thự. Nhóm đối tượng chính tìm kiếm cơ hội đầu tư các sản phẩm này thường là những người đã về hưu hay các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh mục đích để ở, họ coi Ngôi nhà thứ hai như một kênh để sinh lời hoặc tích lũy tài sản trong dài hạn.
Còn theo báo cáo mới nhất của DKRA Vietnam, ở loại hình biệt thự nghỉ dưỡng nguồn cung và sức cầu thị trường ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, tập trung hầu hết tại khu vực miền Bắc và miền Nam – chiếm 77% tổng nguồn cung và 79% tổng lượng tiêu thụ mới toàn thị trường
Trong đó, BR-VT, Bình Thuận, Quảng Ninh và Phú Thọ tiếp tục là những địa phương dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng khoảng 1% – 3% so với tháng trước. Nhiều chính sách bán hàng ưu đãi vẫn được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu khách mua.
Những dự án được quản lý vận hành bởi những thương hiệu quốc tế 5 sao và được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín tiếp tục là điểm sáng thu hút sự quan tâm của thị trường.
Dự kiến trong những tháng tiếp theo, nguồn cung và lượng tiêu thụ phân khúc biệt thự biển sẽ tiếp tục xu hướng tăng và tập trung phần lớn ở khu vực các tỉnh Miền Bắc.
Trong khi đó, ở loại hình nhà phố shphophouse nghỉ dưỡng, trong tháng 5/2022, khu vực miền Nam, chiếm 49% số căn mở bán mới toàn thị trường. Trong đó, Kiên Giang (Phú Quốc) dẫn đầu, chiếm 72% nguồn cung mới tại khu vực này. Nghệ An lần đầu xuất hiện loại hình shophouse nghỉ dưỡng với khoảng 50 căn mở bán. Tỷ lệ tiêu thụ khả quan đạt 54%. Riêng khu vực miền Nam tiếp tục dẫn dắt thị trường. Tổng giao dịch chiếm 63% toàn thị trường, chủ yếu đóng góp từ phân khu mới của một dự án.
Mặt bằng giá sơ cấp nhìn chung ổn định, không có nhiều biến động so với tháng trước. Tuy nhiên, ở một vài dự án phức hợp quy mô lớn, mức giá của phân khu mới mở bán cao hơn đáng kể so với các phân khu đã mở bán từ 1 – 2 năm trước, mức chênh lệch lên đến 1.5 – 2 lần. Nhằm thu hút và hỗ trợ khách hàng, nhiều chính sách ưu đãi đã được các chủ đầu tư áp dụng.
Loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng theo DKRA Vietnam vẫn là điểm sáng của thị trường trong tương lai. Một số dự án nổi bật chuẩn bị mở bán trong tháng 6 chủ yếu ở Thanh Hóa và Kiên Giang đang trong giai đoạn booking.
Còn Condotel, nguồn cung mặc dù tăng so với tháng trước, tuy nhiên ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước và tập trung cục bộ tại một số dự án và một số địa phương như BR-VT và Quảng Ninh. Sức cầu thị trường vẫn ở mức thấp, các dự án mở bán có tình hình bán hàng khá chậm, thời gian triển khai bán hàng kéo dài 3 – 4 tháng.
Những khu vực quen thuộc và phát triển mạnh về Condotel như Khánh Hòa, Đà Nẵng,… tiếp tục vắng bóng nguồn cung mới.
Theo đại diện DKRA Vietnam, lạm phát, chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, nhân công,…) tăng cao đẩy mặt bằng giá bán sơ cấp tăng từ 5% – 8% so với đợt mở bán trước đó, mỗi đợt cách nhau 4 – 5 tháng. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình chiết khấu, ưu đãi,… để hỗ trợ khách mua.
Dự kiến, trong những tháng tiếp theo khi ngành du lịch dần hồi phục, phân khúc Condotel có thể ghi nhận những tín hiệu tích cực tuy nhiên không có nhiều đột biến và tập trung ở những như Đà Nẵng, Quảng Nam, BR-VT và Bình Định.
Nghị định 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế 6 tháng với số thuế từ tháng 3 đến tháng 5-2022 và quý I/2022, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6-2022 và quý II/2022
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022
Nghị định có hiệu lực từ ngày 28-5 đến hết năm 2022. Đối tượng được gia hạn nộp thuếgồm: doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; hoạt động xuất bản; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú; giáo dục và đào tạo; y tế; hoạt động kinh doanh bất động sản; tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Nghị định 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuếđối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8-2022 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2022 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức.
Thời gian gia hạn là 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5-2022 và quý I/2022, thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6-2022 và quý II/2022, thời gian gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7-2022, thời gian gia hạn là 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8-2022. Đồng thời, Nghị định 34/2022/NĐ-CP quyết định gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II/2022, thời gian gia hạn là 3 tháng Nghị định này cũng gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31-5 đến ngày 30-11.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực theo đúng quy định thì được gia hạn toàn bộ số thuế GTGT, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn toàn bộ thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo hướng dẫn tại Nghị định 34/2022/NĐ-CP.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đánh giá việc Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022 sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ sức mạnh tài chính, giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh chung của nhiều nước trên thế giới trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh.
Đại biểu Quốc hội cho rằng việc đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM là cấp thiết và cần phải hoàn thành sớm.
“Đường vành đai 3 TP.HCM được quy hoạch cách đây 11 năm (2011). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có khó khăn về nguồn lực nên chưa triển khai được. Tháng 7-2021, Chính phủ giao TP.HCM tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT để nghiên cứu, triển khai. Hiện các tỉnh đã bàn rất kỹ và mong muốn được Quốc hội (QH) thông qua chủ trương đầu tư dự án. Vì triển khai sớm sẽ giúp cả vùng trọng điểm phía Nam giải quyết điểm nghẽn về giao thông, mở ra tuyến giao thông chiến lược…”.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu như trên tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM diễn ra sáng 6-6.
Giải phóng mặt bằng cho cả giai đoạn hoàn thiện sẽ rẻ và hiệu quả
Về hình thức đầu tư đường vành đai 3, ông Phan Văn Mãi cho biết địa phương từng nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, hình thức này không khả thi vì vốn góp của Nhà nước phải đến 82% tổng mức đầu tư, vượt quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nhà nước góp vốn không vượt quá 50% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên, ngay cả khi Nhà nước góp vốn đến 82% tổng mức đầu tư thì thời gian thu hồi vốn cũng kéo dài đến 28 năm. “Thời gian này quá dài nên không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia” – ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định việc đầu tư đường vành đai 3 thời điểm này là vô cùng cấp thiết. Bởi có tuyến đường này sẽ giải quyết được việc “xuyên tâm” TP.HCM và một số địa phương trong vùng dự án, tạo ra dòng lưu thông thông suốt hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistics.
“Hoàn thiện đường vành đai 3 không chỉ là vấn đề giao thông mà là liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới, ý này rất quan trọng. Nếu chúng ta đầu tư sớm hơn trong giai đoạn 2011-2020 xong thì các vấn đề về điểm nghẽn, không gian mới, động lực mới cho phát triển sẽ được phát huy ngay từ bây giờ” – ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng có nhiều ý kiến nêu quan điểm nếu làm đường vành đai 3 chỉ nên GPMB theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của chính quyền TP thì làm bốn làn xe nhưng GPMB sáu làn xe cho giai đoạn hoàn thiện là cần thiết. Bởi sau này nếu mở rộng lên sáu làn hay tám làn xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB và chi phí sẽ rất lớn.
Dẫn chứng việc dự án đường vành đai 3 nếu được GPMB ngay từ thời điểm quy hoạch thì chi phí chỉ bằng 1/10 hiện nay, ông Phan Văn Mãi khẳng định: “Việc GPMB một lượt theo quy mô toàn bộ dự án bằng mọi giá là việc cần thiết, mặc dù lúc này có phát sinh thêm chi phí nhưng tính trong tổng thể sẽ rất rẻ, rất hiệu quả”.
Liên quan đến cơ chế chỉ định thầu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị các đại biểu QH cân nhắc. Bởi các địa phương “chỉ thực hiện chỉ định thầu với gói thầu tư vấn về hạ tầng kỹ thuật, bồi thường GPMB…”.
Nói thêm về dự án này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng dự án đường vành đai 3 khi gắn với địa phương sẽ giúp công tác GPMB nhanh hơn. Cạnh đó, về lý thuyết, dự án có thể theo hình thức PPP nhưng thời gian hoàn vốn kéo dài, lại đi qua bốn tỉnh, trạm thu phí đặt ở nhiều nơi. Sau khi xem xét, nhà đầu tư thấy không hiệu quả nên không đầu tư. “Giờ dự án đầu tư công, nếu làm quyết liệt đến năm 2026 hoàn thành, tức là sang khóa nữa mới xong. Nếu không làm từ bây giờ thì không xong được…” – ông Nhân nói.
Vành đai 3 nhận được ưu tiên đặc biệt về vốn
“Sự cần thiết của việc đầu tư đường vành đai 3 là không cần bàn, vì rất cần thiết trong kết nối vùng…” – Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định và cho rằng Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã bàn với nhau và đạt được sự đồng thuận cao cho việc đầu tư dự án.
Về cơ chế đặc thù, Chủ tịch QH cho rằng dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội nếu chỉ định thầu xây lắp thì sớm hơn được mấy tháng. Tuy nhiên, Đảng đoàn QH bàn với Chính phủ là cái gì cũng chỉ định thầu sẽ giảm môi trường cạnh tranh, bình đẳng. Do vậy, dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội hạng mục xây lắp phải đấu thầu.
Đối với các gói thầu được chỉ định thầu, Chủ tịch QH cho rằng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm và nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Việc này Thường vụ QH đã kết luận rõ ràng và trong báo cáo thẩm tra và nghị quyết QH cũng ghi.
Một số cơ chế khác Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH không đồng ý và QH bây giờ cũng tán thành. Chẳng hạn, Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu rồi cho địa phương vay lại. Luật Quản lý nợ công cấm chuyện này. Chính phủ phát hành rồi cho địa phương vay lại thì địa phương lại thành nợ công của Chính phủ. Chính phủ không đi làm việc này. Vì vậy, nếu địa phương cần huy động thì địa phương huy động, còn địa phương nói khó “thì đã làm đâu mà biết là khó hay không khó”.
“Ngày xưa ở Bộ Tài chính trái phiếu chỉ huy động kỳ hạn 2-3 năm, huy động năm năm cực kỳ khó. Khi tôi về Bộ Tài chính, tôi bảo các anh phải chào 5-10 năm. Nghe vậy, nhân viên nói báo cáo bộ trưởng, ba năm còn khó nữa là năm năm. Tôi bảo anh chưa chào hàng thì sao biết không được. Bây giờ, Bộ Tài chính vay trái phiếu có kỳ hạn những loại lên đến 20-30 năm. Quỹ bảo hiểm chu kỳ thu hồi vốn rất dài nên bỏ vào mua rất nhiều. Cho nên kỳ hạn bây giờ rất dài…” – Chủ tịch QH dẫn chứng.
Cũng theo Chủ tịch QH, dự án đường vành đai 3 thực tế đã ấp ủ làm cách đây 11 năm nên sẽ được ưu tiên đặc biệt về vốn, tiến độ, phấn đấu hết năm 2025 sẽ hoàn thành.•