Theo David L Steinbach, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Hines, giá nhà đã giảm khoảng 5 đến 10% so với một năm trước đó ở một số khu vực tại Mỹ. Châuu cũng đang dịch chuyển theo đúng quỹ đạo này của Mỹ. Hines có trụ sở tại Houston, Texas quản lý khoảng 90 tỷ USD tài sản bất động sản tại 27 quốc gia.
“Năm nay, thị trường sẽ tiếp tục bất ổn và khó khăn”, ông nói.
Steinbach cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Abu Dhabi, các doanh nghiệp đang kiểm tra lại kế hoạch mở rộng do chi phí tăng cao. Ông nói thêm, lãi suất cao hơn kéo theo chi phí vay vốn tăng, làm giảm nhu cầu của người mua và nhà đầu tư.
Steinbach nói: “Lạm phát cao hơn chắc chắn là đang tác động mạnh mẽ lên ngành bất động sản, khiến lợi nhuận đầu tư mỏng hơn”.
bất động sản được coi là hàng rào chống lại lạm phát vì một số hợp đồng thuê đã tính đến trường hợp giá cả và lạm phát tăng. Nhưng hơn một thập kỷ qua, lãi suất chạm đáy và lợi nhuận giảm mạnh trên thị trường trái phiếu đã đẩy giá bất động sản lên mức kỷ lục ở nhiều khu vực, khiến thị trường này dễ bị ảnh hưởng hơn khi chi phí đi vay tăng.
Steinbach cho biết thị trường văn phòng tại Mỹ chịu tác động nặng nề nhất so với các loại hình bất động sản khác. Không chỉ vậy, nhu cầu thuê nhà ở cũng bắt đầu giảm dần.
Ông nói: “Một số nhà đầu tư đang gặp một số khó khăn trong việc huy động vốn, chỉ điều này thôi đã làm giảm quy mô đầu tư cũng như mức giá trúng thầu”.
Tại Việt Nam, sau thời gian dài liên tục tăng trưởng nóng, các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản đang hạ nhiệt nhưng giá vẫn ở mức cao. Có thể thị trường đang chững lại trong một giai đoạn nhất định trước khi bước vào chu kỳ mới, đặc biệt là sau các quy định của chính phủ siết chặt tín dụng vào bất động sản và ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong bối cảnh lạm phát tăng.
Theo nghiên cứu của công ty bất động sản JLL, giá bán sơ cấp nhà liền thổ tại TP.HCM đã tăng 73% trong 4 năm qua, tính từ quý 1/2019 đến quý 1/2022, hiện đạt 155 triệu VNĐ/m2. Tại Hà Nội, giá nhà đạt 132 triệu VNĐ/m2 trong quý 1/2022, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.