Đại biểu Quốc hội cho rằng việc đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM là cấp thiết và cần phải hoàn thành sớm.
“Đường vành đai 3 TP.HCM được quy hoạch cách đây 11 năm (2011). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có khó khăn về nguồn lực nên chưa triển khai được. Tháng 7-2021, Chính phủ giao TP.HCM tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT để nghiên cứu, triển khai. Hiện các tỉnh đã bàn rất kỹ và mong muốn được Quốc hội (QH) thông qua chủ trương đầu tư dự án. Vì triển khai sớm sẽ giúp cả vùng trọng điểm phía Nam giải quyết điểm nghẽn về giao thông, mở ra tuyến giao thông chiến lược…”.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu như trên tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM diễn ra sáng 6-6.
Giải phóng mặt bằng cho cả giai đoạn hoàn thiện sẽ rẻ và hiệu quả
Về hình thức đầu tư đường vành đai 3, ông Phan Văn Mãi cho biết địa phương từng nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, hình thức này không khả thi vì vốn góp của Nhà nước phải đến 82% tổng mức đầu tư, vượt quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nhà nước góp vốn không vượt quá 50% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên, ngay cả khi Nhà nước góp vốn đến 82% tổng mức đầu tư thì thời gian thu hồi vốn cũng kéo dài đến 28 năm. “Thời gian này quá dài nên không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia” – ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định việc đầu tư đường vành đai 3 thời điểm này là vô cùng cấp thiết. Bởi có tuyến đường này sẽ giải quyết được việc “xuyên tâm” TP.HCM và một số địa phương trong vùng dự án, tạo ra dòng lưu thông thông suốt hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistics.
“Hoàn thiện đường vành đai 3 không chỉ là vấn đề giao thông mà là liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới, ý này rất quan trọng. Nếu chúng ta đầu tư sớm hơn trong giai đoạn 2011-2020 xong thì các vấn đề về điểm nghẽn, không gian mới, động lực mới cho phát triển sẽ được phát huy ngay từ bây giờ” – ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng có nhiều ý kiến nêu quan điểm nếu làm đường vành đai 3 chỉ nên GPMB theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của chính quyền TP thì làm bốn làn xe nhưng GPMB sáu làn xe cho giai đoạn hoàn thiện là cần thiết. Bởi sau này nếu mở rộng lên sáu làn hay tám làn xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB và chi phí sẽ rất lớn.
Dẫn chứng việc dự án đường vành đai 3 nếu được GPMB ngay từ thời điểm quy hoạch thì chi phí chỉ bằng 1/10 hiện nay, ông Phan Văn Mãi khẳng định: “Việc GPMB một lượt theo quy mô toàn bộ dự án bằng mọi giá là việc cần thiết, mặc dù lúc này có phát sinh thêm chi phí nhưng tính trong tổng thể sẽ rất rẻ, rất hiệu quả”.
Liên quan đến cơ chế chỉ định thầu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị các đại biểu QH cân nhắc. Bởi các địa phương “chỉ thực hiện chỉ định thầu với gói thầu tư vấn về hạ tầng kỹ thuật, bồi thường GPMB…”.
Nói thêm về dự án này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng dự án đường vành đai 3 khi gắn với địa phương sẽ giúp công tác GPMB nhanh hơn. Cạnh đó, về lý thuyết, dự án có thể theo hình thức PPP nhưng thời gian hoàn vốn kéo dài, lại đi qua bốn tỉnh, trạm thu phí đặt ở nhiều nơi. Sau khi xem xét, nhà đầu tư thấy không hiệu quả nên không đầu tư. “Giờ dự án đầu tư công, nếu làm quyết liệt đến năm 2026 hoàn thành, tức là sang khóa nữa mới xong. Nếu không làm từ bây giờ thì không xong được…” – ông Nhân nói.
Vành đai 3 nhận được ưu tiên đặc biệt về vốn
“Sự cần thiết của việc đầu tư đường vành đai 3 là không cần bàn, vì rất cần thiết trong kết nối vùng…” – Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định và cho rằng Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã bàn với nhau và đạt được sự đồng thuận cao cho việc đầu tư dự án.
Về cơ chế đặc thù, Chủ tịch QH cho rằng dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội nếu chỉ định thầu xây lắp thì sớm hơn được mấy tháng. Tuy nhiên, Đảng đoàn QH bàn với Chính phủ là cái gì cũng chỉ định thầu sẽ giảm môi trường cạnh tranh, bình đẳng. Do vậy, dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội hạng mục xây lắp phải đấu thầu.
Đối với các gói thầu được chỉ định thầu, Chủ tịch QH cho rằng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm và nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Việc này Thường vụ QH đã kết luận rõ ràng và trong báo cáo thẩm tra và nghị quyết QH cũng ghi.
Một số cơ chế khác Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH không đồng ý và QH bây giờ cũng tán thành. Chẳng hạn, Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu rồi cho địa phương vay lại. Luật Quản lý nợ công cấm chuyện này. Chính phủ phát hành rồi cho địa phương vay lại thì địa phương lại thành nợ công của Chính phủ. Chính phủ không đi làm việc này. Vì vậy, nếu địa phương cần huy động thì địa phương huy động, còn địa phương nói khó “thì đã làm đâu mà biết là khó hay không khó”.
“Ngày xưa ở Bộ Tài chính trái phiếu chỉ huy động kỳ hạn 2-3 năm, huy động năm năm cực kỳ khó. Khi tôi về Bộ Tài chính, tôi bảo các anh phải chào 5-10 năm. Nghe vậy, nhân viên nói báo cáo bộ trưởng, ba năm còn khó nữa là năm năm. Tôi bảo anh chưa chào hàng thì sao biết không được. Bây giờ, Bộ Tài chính vay trái phiếu có kỳ hạn những loại lên đến 20-30 năm. Quỹ bảo hiểm chu kỳ thu hồi vốn rất dài nên bỏ vào mua rất nhiều. Cho nên kỳ hạn bây giờ rất dài…” – Chủ tịch QH dẫn chứng.
Cũng theo Chủ tịch QH, dự án đường vành đai 3 thực tế đã ấp ủ làm cách đây 11 năm nên sẽ được ưu tiên đặc biệt về vốn, tiến độ, phấn đấu hết năm 2025 sẽ hoàn thành.•