Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết, ngân sách đã giải ngân 22.000 tỷ đồng cho một số chương trình thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nêu cụ thể, 22.000 tỷ giải ngân cho 100.000 khách hàng vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với giá trị 4.500 tỷ đồng; hỗ trợ 2.500 người lao động, công nhân thuê nhà với giá trị 1,7 tỷ đồng tính tới 20/5/2022; miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), với giá trị 11.800 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và giảm một số loại phí, lệ phí.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Thị Hà thông tin thêm kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho biết 19 tỉnh, thành phố đã tiếp hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 46.000 lao động thuộc 2.007 doanh nghiệp tính tới 3-6-2022. Tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là 33 tỷ đồng. Hiện các địa phương đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 21.000 lao động thuộc 319 doanh nghiệp, với số tiền đã có quyết định phê duyệt là 25 tỷ đồng. Số tiền đã giải ngân là 3,1 tỷ đồng cho hơn 6.000 lao động thuộc 100 doanh nghiệp.
Theo bà Hà, kết quả này cho thấy việc triển khai chính sách ở một số địa phương còn chậm do cán bộ địa phương lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp. Ngoài ra, một số địa phương chưa bố trí được nguồn lực hỗ trợ, phải chờ ngân sách trung ương phân bổ vốn. Bên cạnh đó, một số địa phương e ngại người lao động trục lợi chính sách nên yêu cầu họ cung cấp thêm một số giấy tờ như giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà…
Về phía doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, một số doanh nghiệp chưa chủ động làm hồ sơ hỗ trợ trong khi số lượng lao động lớn. Thậm chí một số nơi thì chờ 2-3 tháng để làm gộp hồ sơ xin hỗ trợ.
Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, bà Hà cho biết bộ đã ban hành công văn yêu cầu địa phương đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8-2022. Theo đó, chính quyền cấp huyện sẽ phối hợp cùng Liên đoàn lao động đồng cấp thực hiện rà soát, lập danh sách hỗ trợ và kịp thời phê duyệt để người lao động sớm thụ hưởng chính sách này.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội có quy mô 347.000 tỷ đồng, gồm 46.000 tỷ đồng để mua vaccine và trang thiết bị y tế, 301.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khoá và tiền tệ.
Với nhóm chính sách hỗ trợ tài khoá và tiền tệ, có 134.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, 64.000 tỷ đồng để miễn và giảm thuế, 38.400 tỷ đồng dành cho chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, 6.000 tỷ đồng để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và giảm một số sắc thuế, 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho vay qua các ngân hàng thương mại.
Về chính sách và cơ chế, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ trưởng đã ban hành được 11/14 văn bản theo kế hoạch, gồm 7 Nghị định, 1 Nghị quyết, 3 quyết định của Chính phủ và một văn bản hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện một số văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn triển khai hỗ trợ đang trong quá trình xây dựng và ban hành. Một số khác đã sẵn sàng triển khai như chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ với quy mô 40.000 tỷ đồng.