Nhiều dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng giúp kết nối TP.HCM với địa phương lân cận sắp được triển khai. Đây được cho là động lực cực kỳ lớn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản thời gian tới.
Mở rộng cửa ngõ
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM trong giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, có một số dự án đáng chú ý sẽ được thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay như là quốc lộ 1, 50, 22 và 13.
Cụ thể, dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, đoạn đường dài hơn 4,5km này sẽ được mở rộng lên từ 53 – 60m. Một đoạn khác từ ngã tư Bình Phước đến giáp ranh tỉnh Bình Dương dài một km cũng sẽ được đầu tư mở rộng lên 53m, vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng.
Dự án mở rộng quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh tổng đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Công trình dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m, trong đó chia làm hai đoạn: đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu. Trên tuyến xây hai cầu Bà Lớn và Ông Thìn đồng bộ.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 từ đoạn nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh) dài 2,5 km cũng sẽ được mở rộng với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng. Theo đó, dự án sẽ mở rộng đường lên 120m, quy mô 10 làn xe cùng làm vỉa hè hai bên và để lại một phần đất dự trữ.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, dài 5,4 km, sẽ được mở rộng từ 4-8 làn xe. Trên tuyến xây hai cầu vượt trên tại nút Nguyễn Ảnh Thủ và Nguyễn Văn Bứa. Công trình có tổng vốn 935 tỷ đồng, được đề xuất ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025.
Những dự án giao thông trên đây đều đóng vai trò quan trọng trong việc giải toả giao thông ở các cữa ngõ ra vào thành phố hiện nay. Ngoài các dự án trên, trong tương lại một loạt tuyến giao thông trọng yếu khác như cao tốc tốc TP.HCM – Mộc Bài; cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cầu Cát Lái…cũng sẽ được xây dựng để giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM với các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Phước…
Người mua nhà hưởng lợi
Theo các chuyên gia bất động sản, việc hàng loạt dự án hạ tầng kết nối giao thông giữa TP.HCM với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An sẽ tạo nên nhiều động lực lớn thúc đẩy sự phát triển toàn bộ nền kinh tế – xã hội của cả khu vực.
Đặc biệt, với bất động sản thì hạ tầng giao thông chẳng khác gì “xương sống” nâng đỡ cả thị trường. Do đó, hạ tầng ngày càng thuận lợi có ý nghĩa đặc biệt với chính những người dân đang có nhu cầu về nhà ở và cả những doanh nghiệp triển khai phát triển dự án.
Vợ chồng chị Hương đã có nhiều năm lăn lộn mưu sinh ở TP.HCM nhưng hiện vẫn đang sinh sống trong không gian nhà trọ chật hẹp. Trong bối cảnh giá nhà ở tại đô thị đông dân nhất cả nước cao đang cao ngất ngưởng thì giấc mơ có một căn nhà đối với những gia đình như chị Hương là điều không thể.
Xác định rõ nên cả hai vợ chồng chị Hương tính toán “liệu cơm gắp mắm”, thay vì mơ mộng nhà đất ở thành phố thì phải tìm về các khu vực lân cận. Sau nhiều lần khảo sát, anh chị cũng nhắm được một miếng đất giá 800 triệu ở khu vực Đức Hoà, Long An.
“Nói Long An thì nghe xa xôi nhưng thực tế khoảng cách về thành phố cũng chỉ tầm 20km. Không quá xa với những người ít tiền như mình”, chị Hương nói.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất khiến chị Hương chưa xuống tiền là đường xá đi lại quá khó khăn. Đường nhỏ, lưu lượng xe đông nên kẹt xe thường xuyên. Do đó, viễn cảnh nhà ở Long An đi làm ở TP.HCM như mong muốn của anh chị chưa thể phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
“Hi vọng khi hạ tầng được đầu tư tốt hơn trong vài năm tới thì thời gian di chuyển sẽ rút ngắn. Còn bây giờ chắc chỉ mua đất rồi chờ vài năm mới về ở”, chị Hương nói.
Anh Bình, một nhà đầu tư bất động sản cho rằng, lựa chọn những khu vực giáp ranh với TP.HCM ở Bình Dương, Đồng Nai hay Long An làm chốn an cư đang là hướng đi của nhiều gia đình trẻ có nguồn tài chính hạn chế. Khoảng cách di chuyển từ đây đến trung tâm TP.HCM cũng chỉ trên dưới 20km nên việc chỗ ở và nơi làm việc không phải là quá xa. Điều quan trọng nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa tốt nên thời gian di chuyển bị đội lên nhiều lần.
“Ở nhiều nước, chỗ làm và chỗ ở có khi cách nhau vài chục đến cả trăm km nhưng do hệ thống giao thông, phương tiện công cộng quá hiện đại nên thời gian di chuyển không đáng kể. Việt Nam chưa thể so sánh nhưng về lâu dài thì đây là xu hướng tất yếu. Một khi cơ sở hạ tầng tốt thì khoảng cách không còn quá quan trọng trong việc lựa chọn chỗ ở”, anh Bình phân tích.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc đi trước hạ tầng giao thông vài năm thậm chí vài chục năm được lên kế hoạch từ trước. Điển hình là hiện nay, ở các địa phương lân cận TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đang nắm trong tay quỹ đất lên đến vài trăm ha.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM đang gặp các “điểm nghẽn” khiến nhiều dự án không thể triển khai thì xu hướng đổ về vùng ven đầu tư được doanh nghiệp đẩy mạnh. Đặc biệt, khi các hạ tầng giao thông kết nối khu vực ngày càng được đầu tư mở rộng là cơ hội để các doanh nghiệp triển khai dự án và đón đầu xu hướng đô thị hoá, giãn dân về các đô thị vệ tinh. Những ông lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Phát Đạt, Nam Long… đang là những cánh chim lớn dẫn đầu cho xu hướng này.
https://cafeland.vn/